Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

NGƯỜI ĐÀN ÔNG HÁT BÊN NGỌN HẢI ĐĂNG VŨNG TÀU

.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG HÁT BÊN NGỌN HẢI ĐĂNG VŨNG TÀU
Nguyễn Ngọc Huân
Sáng Chủ nhật cuối tháng Tư, chúng tôi cùng 2 khách Trung Quốc có chuyến thăm Hải đăng Vũng Tàu.
Vòng vèo theo con đường lộng gió biển, qua mấy khúc cua thì xe cũng tới đỉnh Núi Nhỏ cao 170 m so mặt nước biển. Từ trong xe hiện lên một bức tranh sinh động và trữ tình: Một bên là biển xanh mênh mông ầm ì sóng vỗ, bọt trắng xô vào các tảng đá bắn những tia tung tóe. Bên kia là núi đá nhấp nhô mượt mà lá thắm, nắng vàng dát lên những tán cây rắc các màu lung linh.

Đây rồi Hải đăng Vũng Tàu hơn trăm tuổi cao 18 mét. Nam thanh, nữ tú đua nhau chụp ảnh. Tiếng cười nói hòa trong tiếng sóng biển ầm vang của Vũng Tàu một ngày đầy nắng gió…

Từ chân Hải đăng, tôi lùi về phía biển, chọn một thế đẹp để chụp kiểu làm kỷ niệm. Đang mải mê chọn vị trí, bỗng tôi bị "đánh thức" bởi tiếng đàn hát trong ngôi nhà nhỏ phía sau…

“Ngày mai em đi,  biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…”

Ơ, có người đàn ông đang ôm đàn hát trong đó !

Quên cả chụp ảnh, tôi bước vào. Đang có mấy người đứng nghe. Ở lan can phía ngoài cũng chục người vừa già, vừa trẻ. Tất cả im lặng. Vài người vội vàng ghi lại hình ảnh người hát.

Ca sỹ vẫn chăm chú công việc. Mắt ông như mơ mộng; giọng ông hóa thẫn thờ. Tiếng đàn không điêu luyện, giọng hát chẳng mượt mà, nhưng làm người nghe nao lòng.

 “Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ; sỏi đá trông em từng giờ. Nghe buồn nhịp chân bơ vơ…”

Bài hát “Biển sáng” của nhạc sỹ, thi sỹ họ Trịnh qua giọng ông tưởng như đưa đám người đứng quanh về một nơi nào yên ả, chứ không phải đến nơi ầm ầm sóng biển chiều nay.

Tôi để ý: Ông chỉ hát các bài của Trịnh. Hết “Biển sáng”, sang “Biển nhớ”, rồi “Sóng ru ngàn đời”, “Biết đâu cội nguồn”, “Biển nghìn thu ở lại”…

Một người ngồi đây mà nhìn cánh sao. Sao vẫn đêm đêm nhìn núi đồi cao. Vàng chiều ngơ ngác dâng lên nhịp cầu…” Tiếng đàn điệp trùng, giọng ca đầm ấm.

Đám đông nghe rồi đi. Đám đông khác lại tới. Các ánh flash lóe sáng. Vài tiếng xuýt xoa “Tuyệt quá”. Ông vẫn ngồi đàn hát như chẳng thấy đám người đứng quanh.

Tôi để ý: Tịnh không người cho tiền. Cũng chẳng thấy ông giơ mũ, hay chìa hộp thỉnh cầu. Chẳng nhẽ có người quên ăn,quên uống chỉ để đàn ca? Chắc không ai phục vụ miễn phí. Hay là tâm hồn u uất nên người ta hát ra cho vơi ? Nếu không ăn uống thì họ cũng chết cùng các nỗi  buồn ấy. Hoặc giả đấy là mẫu nghệ thuật vị nghệ thuật? Chưa từng có một môn nghệ thuật nào như vậy.

Trong tôi nhiều suy nghĩ. Đợi cho đám khán giả đi hết, tôi nhẹ nhàng đến bên, đặt vào tay người ca sỹ một phong bì nhỏ tỏ sự ngưỡng mộ. Thật bất ngờ, ông nắm tay tôi, giọng rất nhẹ:

      - Ông nghĩ tôi như vậy sao? Cảm ơn ông. Xin ông nhận lại.

Với chút ân hận, tôi mạnh dạn ngồi xuống cạnh ông, hỏi chuyện. “Ông tên gì? Vợ con chi?...". Ông không trả lời, cứ say sưa đàn hát.

Biển đánh bờ, xôn xao bờ đánh biển. Đừng đánh nhau.. Ôi, biển sẽ tàn phai. ..Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi…”


Bóng chiều đã ngả. Sóng biển vẫn ầm vang, gió đồi vẫn rì rào. Trong tiếng sóng, tiếng gió Vũng Tàu, tiếng đàn hát chính là lời tỏ tình người ca sỹ ngồi trong ngôi nhà nhỏ cạnh Hải đăng Vũng Tàu không thể nào quên của chiều hôm ấy... Vậy, có cần chi những giãi bày? 











Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)