Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

ĐỖ TÚ MẬT - NGƯỜI NẶNG TÌNH QUÊ


Bác Đỗ Tú Mật tuổi Kỷ Sửu, quê Hải Hậu (Nam Định), sang Mông Cổ năm 1973, cùng khóa với các anh Trần Mai Bân, Nguyễn Văn Dũng, Hà Đức Tính, Vũ Văn Triền.

Hải Hậu, nơi bác sinh, là vùng trù phú, có sông, có biển, có đồng, phong cảnh hữu tình, người dân hiền hòa, thân thiện. Nơi đây, thời những năm 60, 80 của thế kỷ trước, nổi tiếng gạo Tám Xoan vừa dẻo vừa thơm nức tiếng. Nghe đâu, tỉnh quy hoạch cả trăm hec-ta chỉ để trồng loại gạo đặc sản cho Trung Ương.

Hải hậu trước đây nhiều địa chủ, tức là những người chăm chỉ tích góp mua gom đất rồi tự mình hoặc thuê người cày cấy. Trong Cải Cách ruộng đất năm 1954, nhiều địa chủ bị quy thành phần là bóc lột, thậm chí là địa chủ cường hào, khiến họ thân tàn, danh liệt, con cái bị phân biệt đối xử, không được đi học, đặc biệt không được vào Đại học.

Khổ nỗi, sống trong những gia đình ấy, mang gen cha mẹ, con cái có đức tính cần cù, chịu khó. Rất nhiều người thông minh. 

Gia đình bác là thuộc diện như vậy. 

Có lẽ ý thức được điều này, bác và em trai xung phong đi bộ đội. Cả hai may mắn lành lặn trở về, và họ thi được đi nước ngoài. Cuộc đời mở ra trang mới...

Bác Mật là người tình cảm. Điều này thể hiện qua các bài thơ bác thường viết khi có cảm xúc. 

Hôm rồi, bác cho xem một tập dày các dòng ghi chép, những câu của Phật, của Khổng Tử, các lời hay, ý đẹp của các danh nhân (bác đọc để tự răn mình), và tất nhiên, nhiều bài thơ tự sáng tác. Bác bọc ny lông từng trang rất cẩn thận như vật quý, thường giở ra xem khi rảnh.

Thơ bác là các vần về gia đình, quê hương. Các tứ thơ đều mộc mạc, ngôn ngữ bình dân. Đọc bác, thấy đâu đó chất giọng và nghĩa tình địa phương đặc sệt Hải Hậu. Trong thơ bác nhiều nỗi niềm, nhắc nhớ.

Xin giới thiệu 2 bài thơ bác mới viết cùng Hội viên.


MỪNG QUÊ NGOẠI

Đỗ Tú Mật

Có mình rồi lại có ta,

Xưa quê Hải Thắng, nay là Hải Hưng.

Cây đa ba gốc ai dừng

Cầu Đôi đông chợ, bánh chưng Bà Thìn;

Đường Rơi kỷ niệm còn in

Để ai xươi ngược còn tin lời thề;

Tượng đài sống với thôn quê

Còn nhau ta lại đi về bên nhau…

 

Bây giờ cho đến mai sau

Hạnh tròn đất vợ phúc giầu quê ta.

Nghề Y là nghiệp ông cha

Vi-la vẫn quý, cây đa vẫn thờ.

Học cả tiếng Anh, tiếng Pháp bây giờ

Đắng thơm vị thuốc, ngọt nhờ vị tha…

 

Không dưng lại nhớ quê nhà

Không mang còn nặng nữa là hai quê !

 

Tp Hồ Chí Minh, Xuân Quý Mão (2023)

1) Tượng đài chiến thắng chợ Cầu Đôi ghi công trận chiến thắng Pháp năm 1954.

2) Đường Rơi là đường giáp ranh 2 xã Hải Bắc và Hải Thắng (tên cũ,  nay là xã Hải Hưng).

3) Cây đa Ba gốc thuộc xã Hải Thắng (cũ) nay là xã Hải Hưng, có tuổi đời trên 200 năm.

 

 

BÀI CA HẢI HẬU

Đỗ Tú Mật

Ai ơi ! Hải Hậu quê mình

Đắp đê, mở đất, lấp sình, di dân…

Năm trăm năm trước tiền nhân

Máu xương công sức nên ân nghĩa này.

Dòng sông ai Múc mà đầy,

Cánh đồng ai giữ tiếng này Tám Xoan ?

Chợ Cồn nhộn nhịp lo toan,

Chợ Lương, Cầu Ngói nhặt khoan chuông chiều,

Cánh đồng muối trắng thân yêu,

Cảng sông Thượng Trại với nhiều ước mơ,

Sông Sen hương tự bao giờ,

Cây đa Ba Gốc, đền thờ Liệt Trung…

 

Đất quê Hải Hậu anh hùng

Người quê tình nghĩa thủy chung vẹn toàn.

Lở bồi trăm sự đa đoan,

Đồng vàng, biển bạc sánh ngang đất người.

Quê giàu người lại thêm tươi,

Ai xa Hải Hậu nhớ người, nhớ quê…

 

Tp Hồ Chí Minh, tháng 7/2023

 

Chú thích :

1) Sông Múc lấy nước phù sa từ sông Ninh Cơ tuới nước cho đồng ruộng Hải Hậu.

2) Sông Sen “Sông Sâu” thuộc xã Hải Quang.

3) Cây đa Ba gốc thuộc xã Hải Thắng (cũ) nay là xã Hải Hưng, có tuổi đời trên 200 năm.

4) Thượng Trại thuộc xã Hải Phú.

5) Đồng muối thuộc xã Hải Lý, Hải Chính.

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)