Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

TRỞ LẠI THẢO NGUYÊN

TRỞ LẠI THẢO NGUYÊN
Nguyễn Xuân Hạnh (*)

Sau hơn 30 năm ra trường, đoàn Cựu Sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ đã tổ chức thành công chuyến đi “Về lại Trường xưa” đầy ý nghĩa. Chuyến đi đã để lại trong mỗi thành viên của Đoàn những tâm trạng phấn khích, những cảm giác lâng lâng về đất nước, con người Mông Cổ, về tình cảm những người Việt Nam đang sống, làm việc, học tập tại đây. Qua chuyến đi, các thành viên có cơ hội tìm lại cho mình những kỷ niệm một thời sinh viên trên mảnh đất Thảo nguyên giá lạnh nhưng ấm áp tình người sau nhiều năm xa cách.
Đoàn lần này có 12 thành viên: 6 là cựu sinh viên khoa Chăn nuôi, Thú y Trường Đại học Nông nghiệp Quốc gia Mông Cổ (nay là Trường Đại học Tổng hợp Nông nghiệp Quốc gia Mông Cổ), 4 phu nhân của các cựu sinh viên, anh Nguyễn Văn Đắc nguyên Cán bộ Sứ quán VN tại Mông Cổ và anh Lưu Tuấn Đạt nguyên Cán bộ Sứ quán Mông Cổ tại VN. Trong số 4 Quý Phu nhân, 2 người nguyên là Cán bộ Sứ quán VN tại Mông Cổ là chị Phạm Thị Thủy Tiên và chị Nguyễn Thị Mỹ Thu. Hai bác Nguyễn Văn Đắc và Lưu Tuấn Đạt đều đã ngoài 75 nhưng dẻo dai chẳng kém gì các thành viên trẻ.

Theo lịch bay, Đoàn sẽ khởi hành lúc 5h40 sáng ngày 21/07/2016 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh Bắc kinh 3 tiếng, sau đó bay tiếp đi Mông Cổ và sẽ có mặt tại sân bay Chingis Khan – Ulanbatar lúc 6h30 chiều cùng ngày. Tuy phải dậy từ khá sớm để có mặt tại sân bay lúc 3h30 là điều khó khăn đối với các thành viên đều lớn tuổi, nhưng lúc gặp nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất, hết thảy các gương mặt đều rạng rỡ, những nụ cười đều vui vẻ cầu nguyện cho chuyến đi thành công tốt đẹp.
Đoàn tới sân bay Chingis Khan – Ulanbatar trễ hơn 30 phút so với lịch bay. Lấy hành lý, làm thủ tục nhập cảnh xong đã gần 20 giờ (giờ Ulan Bator). Mặc dù 8 giờ tối, nhưng từ phía chân trời những tia nắng yếu ớt cuối ngày vẫn len lỏi vượt lên bầu trời cao vời vợi, rồi tung tóe vãi trên đồng cỏ Thảo nguyên mênh mông những tia màu tím ngăn ngắt. Từng cơn gió nhè nhẹ, lành lạnh thổi về gây cho khách du từ đất Việt xa xôi cảm giác se se của mùa đông xứ Huế.
Bước chân khỏi nhà ga, đã thấy Tiến sỹ Phan Đăng Đương, Đại sứ nước ta, cùng lái xe và một vài nhân viên sứ quán hồ hởi chờ đón. Gặp lại nhau trên đất nước thảo nguyên sau bao năm xa cách, mọi người đều phấn khởi tay bắt, mặt mừng, cười nói vui vẻ. Những nét mệt nhọc trên các khuôn mặt lữ khách bỗng chốc tan biến. Chỉ thấy sự thân quen, tình chiến hữu.










Trên đường về khách sạn, ai cũng dán mắt qua cửa kính xe để ngắm nhìn thành phố sau hơn 30 năm xa cách.
Cảm nhận đầu tiên là thủ đô thay đổi quá ! Thành phố mở rộng hơn, các cao ốc mọc lên nhiều hơn tựa như nấm sau cơn mưa. Tại nơi trước đây đặt chiếc xe tăng ở ngã 3 đường lên Zaisan là khu Trung tâm Thương mai hiện đại sầm uất, đẹp mắt nhất TP. Ulanbator. Đường sá khang trang, xe cộ đông đúc, giao thông như mắc cửi. Nghe nói, Ulanbator giờ nào cũng kẹt xe. Được biết, giá xe ở đây quá rẻ, thuế nhập khẩu chỉ 10%. Mua một chiếc xe hơi ở đây, giá chỉ tương đương chiếc SH tại Việt Nam. Chồng xe, vợ xe đi làm là chuyện thường. Thế thì không kẹt xe mới là chuyện lạ.
Đoàn về tơí khách sạn là 9 giờ tối. American Hotel nằm đối diện hơi chếch một chút và cách Sứ quán VN một quãng khoảng 2 phút đi bộ. Cạnh Sứ quán, đối diện với khách sạn là hàng loạt nhà hàng từ bình dân tới hạng sang. Đoàn nhận phòng, cất đồ đạc và tranh thủ tập trung đi ăn tối.
Bước ra ngoài, trời mưa nhẹ. Những cơn gió lạnh từ thảo nguyên về làm cho không khí se se. Cũng có thể cái cảm giác lạnh có từ trong người ra vì lúc đó ai cũng đói mệt. Chúng tôi quay trở lại lấy áo khoác. “Quân tử phòng thân” cũng chẳng gọi là thừa.
Bữa tối đầu tiên Đoàn chọn nhà hàng sang trọng. Mọi người đều nhớ và muốn ăn bánh booz, khoosor, thịt cừu nướng , uống trà sữa và bia tươi là những món ăn dân tộc miền thảo nguyên. Cái chất liệu bia tươi uống ở nơi đây sao mà nhè nhẹ, thơm thơm, khoan khoái thế. Món thịt cừu nướng ngồi thưởng thức trong tiết trời se lạnh tạo cho người ta cái cái cảm giác sảng khoái, ngon miệng, thèm thuồng như người Việt sau bao năm xa quê được thưởng lãm món canh cua, cà pháo đồng quê thanh tịnh.
Lịch thăm quan của đoàn dài 8 ngày . Thời gian ấy sẽ là vô giá đối với đoàn cựu sinh viên.
Ngày đầu tiên đoàn tới thăm Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam. Tiếp Đoàn là TS Dashtsevel, Chủ tịch Hội. Anh Viên, tên gọi Việt Nam, là người giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười tươi tắn, có nhiều kỷ niệm với Việt Nam. Sau buổi tiếp, Chủ tịch dẫn Đoàn đi thăm ngôi chùa cổ Gandan Khild. Đây là một tu viện cổ nhất Mông Cổ tọa lạc ngay trung tâm thành phố Ulanbatar. Tu viện này nổi tiếng với bức tượng mạ vàng Magrid Janraisig (Phật Quán Thế Âm) cao 26m, nặng 20 tấn, là biểu tượng một thời của sự hồi sinh phật giáo Mông Cổ. Tới đây mọi người được tĩnh tâm nghe các bài giảng kinh phật, khám phá phật giáo thuần túy và cuộc sống Phật giáo Mông Cổ một thời.

Buổi trưa đoàn được Đại sứ mời ăn món khoosur tại nhà hàng nổi tiếng Ulanbator. Trời se lạnh, ăn bánh khoosur nóng, sự ngon miệng gợi lại những cảm giác khó quên ngày xưa. Người Việt bảo miếng ngon nhớ lâu quả không sai !
Sau đó, Đoàn được hướng dẫn thăm nhà máy dệt Cashmere (Dệt lông dê). Nơi đây nổi tiếng với sản phẩm Len siêu mịn đang được khách quốc tế ưa chuộng. Vào thời điểm Đoàn tới thăm, xe hơi đậu kín, khách quốc tế đông nghịt. Không bỏ lỡ cơ hội, các thành viên Đoàn tranh thủ mua vài món về làm quà. Giá rẻ thật bất ngờ: Nếu như một chiếc áo Cashmere dệt 100% chất liệu lông dê ở đây giá 200 USD thì ở các nước khác như Nhật, Mỹ khoảng 500 USD. Đó là lý do tại sao khách quốc tế đến mua sắm tại nhà máy này đông như thế.
Buổi chiều tại Sứ quán, Đại sứ cùng Hội sinh viên VN, và Hội Cựu sinh viên VN tại Mông Cổ tổ chức chiêu đãi trọng thể. Hơn 30 năm kể từ ngày tốt nghiệp, nay mới có dịp các lưu học sinh ta tụ tập ở Sứ quán đông đầy như thế này. Trong khung cảnh vui vẻ và đầm ấm, tai khuôn viên nhỏ gọn và thân quen, ai nấy đều phấn chấn, hào hứng, xen chút bồi hồi xem lại nơi cũ, cảnh xưa. Khu nhà ở và làm việc của sứ quán vẫn đây, vườn rau, nơi ngày xưa từng một thời chăm bón vẫn đây, nhà bếp, sân bóng vẫn đây… Những hình ảnh xưa cũ đang hiển hiện ngay trước mắt bỗng làm cho chúng tôi bồi hồi khôn tả.
Dù đang về Việt Nam công tác, nhưng Chủ tịch Hội cựu sinh viên VN tại Mông Cổ cũng có quà gửi tặng: Đó là một con dê. Đồng thời, anh cũng cẩn thận cử 2 đầu bếp nổi tiếng của Mông Cổ vào Sứ quán đạo diễn mòn dê nướng đá.
Buổi chiêu đãi diễn ra trong không khí thật đầm ấm và vui vẻ. Mọi người nhâm nhi chúc tụng nhau thế mà hết 2 chai rượu mang từ VN sang, một chai Chivas của cặp vợ chồng (Bạn ĐS Đương) từ Đài Loan qua và 2 chai Chinggis Khan …

Ngày thứ 2 và 3 Đoàn trả phòng lên đường theo chuyến giã ngoại 2 ngày thăm thành phố cổ Khorkhorin thuộc tỉnh Uverkhangai nằm cách Thủ đô Ulanbatar hơn 300 km. Đoàn đi 3 xe, 2 xe Sứ quán và một xe thuê, gồm các anh chị trong Sứ quán, các cháu sinh viên, gia đình anh Dashtsevel và 14 người nữa (thêm 2 mẹ con chị Tâm, con bác Đại sứ Hòe). Công tác chuẩn bị đã được Sứ quán và các cháu sinh viên lo từng li từng tí, từ việc thái thịt, ướp thịt, gia vị, than củi, bánh mì , trứng và các vật dụng cần thiết …Đoàn khởi hành lúc 5h30 sáng giờ Mông cổ, tức 3h30 sáng giờ VN. Tuy đêm ngủ ít, nhưng chẳng ai muốn ngủ, đều căng mắt ngắm cảnh vật hai bên đường.
Khoảng 9h30 Đoàn dừng chân trên cánh đồng cỏ thảo nguyên rộng lớn để chuẩn bị cho bữa ăn dọc đường đầu tiên trong chuyến picnic về nông thôn. Bước ra khỏi xe, không khí trong lành của buổi sáng hòa quyện với mùi hoa đồng, gió nội tạo nên một mùi thơm dễ chịu làm người ta đắm say cảnh sắc miền thảo nguyên mênh mông. Những chú cào cào vỗ cánh tanh tách bay vút lên không trung khi thấy khách lạ từ phương xa tới. Đoàn xe 3 chiếc đậu thành hàng ngang chắn gió để các bác thợ nhóm bếp. Thịt đùi cừu đã được thái và ướp sẵn nướng trên bếp than củi vừa chín tới tỏa mùi thơm ngào ngạt hấp dẫn các thực khách. Vừa trải qua một đoạn đường dài, bụng đói, dạ rét nên ai nấy đều háo hức muốn được thưởng thức ngay. Hai thợ đầu bếp Mông Cổ hí húi nướng thịt, các cháu sinh viên chiên trứng, thái bánh mì và chuẩn bị gia vị cho bữa ăn. Mọi người tranh thủ tìm những chỗ đẹp nhất của Thảo nguyên để ghi lại vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Mấy bác nông dân Mông Cổ chăn cừu gần đó thấy đông người cũng chạy xe máy tới góp vui. Phải nói chưa có bữa nào ngon như bữa ăn trên thảo nguyên hôm ấy...

Sau bữa ăn Đoàn lại tiếp tục hành trình đến huyện Khorkhorin thuộc tỉnh Uverkhangai. Dọc đường đi, cánh đồng hoa cải rộng hàng trăm ngàn ha chuẩn bị vào mùa thu hoạch, sắc nhuộm vàng rực trải dài tới tận chân trời. Đẹp quá!!! Xe dừng lại. Mọi người tranh thủ chụp vài kiểu làm kỷ niệm. Được biết, mảnh đất này ngày xưa là cánh đồng du mục, bây giờ thời kinh tế thị trường, nó chuyển sang khai thác theo hướng hàng hóa mới. Vào dịp địa phương đang diễn ra lễ hội Naadam, Đoàn được Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đón tiếp nồng nhiệt trong một căn nhà lều truyền thống của Mông Cổ. Không khí thân thiết như những người thân lâu ngày gặp mặt.

Sau khi dự lễ hội Naadam, Đoàn được đại diện UBND tỉnh hướng dẫn đi thăm thành phố cổ Kharkhorin. Đây là một trong những cố đô cổ xưa nhất lưu vẫn giữ được những nét hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đế chế mông Cổ Thành Cát Tư Hãn một thời.Thành cổ Kharkhorin gồm 69 dinh thự và khu vực dành cho quân lính, được xây dựng vào đời thứ 3, thứ 4 con cháu Ngài cách nay khoảng gần 500 năm. Sau Cách mạng năm 1921, thành cổ bị phá hủy, nay chỉ còn 16 dinh thự với 4 ngôi chùa lớn nằm ngay cổng thành.
Ngày nay Kharkhorin được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và trở thành một trong những điểm du lịch không thể thiếu được khi đến Mông Cổ. Phía xa từ thành cổ, thảo nguyên Kharkhorin nằm trải dài theo sườn núi. Tự nghĩ, ai đó nếu muốn trải nghiệm cảm giác một mình giữa bao la trời đất, và cưỡi ngựa trên thảo nguyên, xem huấn luyện đại bàng thì hãy đến nơi đây.
Nhìn lên cao một chút là dãy núi Kharkhorin hùng vĩ. Nơi đây vẫn lưu giữ nét oanh liệt một thời của Thành Cát Tư Hãn. Người Mông Cổ vẫn truyền tụng rằng, Mộ Thành Cát Tư Hãn được chôn cất trên đỉnh núi cao nhất này. Hãy quan sát kỹ dáng vẻ không tự nhiên của những tảng đá. Chúng như được bàn tay con người sắp đặt. Và người ta nghi ngờ đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Đế chế Mông Cổ Chingis Khan. Tuy nhiên người dân Mông Cổ không ai có ý định tìm kiếm hay khai quật, bởi họ nghĩ rằng, “ Không nên đụng vào linh hồn những người đã khuất”. Người ta đồn đoán rằng, khi Chingis Khan qua đời, đoàn tháp tùng đưa linh cữu ông đi chôn, dọc đường gặp người nào đều giết hết. Khi xong việc tang lễ, những người tham gia chôn cất đều bị giết, còn quân lính thì tự tử. Sự sùng bái, tuẫn tiết vì Vua chắc chẳng nơi nào như vậy.
Rời Thành cổ Kharkhorin, Đoàn trở về khu du lịch nhà lều nằm ngay trên bờ sông Tull. Quang cảnh thật đẹp và hài hòa. Các bụi cây to mọc xen giữa những tảng đá chạy dài theo hai bên bờ sông đang cuồn cuộn chảy về xuôi. Đêm dừng chân trong khu du lịch, mỗi gia đình chúng tôi được bố trí trong một nhà lều riêng biệt, có lò sưởi đốt củi giữa nhà, không có nhà vệ sinh, không có nước, chỉ có khu vệ sinh công cộng. Mọi người bắt đầu trải nghiệm cuộc sống du mục thực sự trên thảo nguyên của người dân Mông Cổ. Buổi tối, gần bờ sông độ ẩm cao, cái lạnh cũng buốt hơn. Bữa tối được đặt trước. Vẫn món thịt cừu nướng đá truyền thống. Trước đó, anh Tý Trưởng đoàn có đặt với Đại sứ món ruột cừu nhà hàng làm sẵn. Cái ngon của món này ở chỗ, nó còn hơi thum thủm mùi phân hủy của thức ăn và mùi cỏ dại. Nên chỉ những người sành ăn mới cảm nhận hết văn hóa món ăn dân tộc.
Mặt trời khuất núi, màn đêm buông xuống. Mọi người trở về lều mình ở. Thực sự chưa quen, nên tôi trùm kín chăn ngủ. Bên ngoài, chim cú mèo, chim đại bàng, những loài động vật ăn đêm bắt đầu hoạt động. Vừa mới mơ màng, bỗng nghe tiếng sột soạt rất lớn trên mái nhà lều, tôi nghĩ bụng chắc có con chim đại bàng to mới hạ cánh xuống mái lều, vội vàng tung mền chạy ra xem. Nhưng không phải. Hóa ra, Hồ Thành Công và Hồ Sỹ Tý đang trêu trò. Một người đang cầm gậy khua trên mái lều, người kia thì lấy dây buộc cửa lại… Bị bắt quả tang, cả hai hối hả chạy về phòng, tiếng cười khúc khích vương lại. Những trò đùa nghịch của một thời sinh viên nay tái hiện khi cái tuổi đã ngoài 60. Một đêm trải nghiệm đầy thú vị.
Sáng hôm sau, Đoàn ra bờ sông câu cá và tiếp tục cuộc hành trình về lại Ulanbator. Hai ngày giã ngoại về nông thôn đầy ấn tượng !
Ngày thứ 4 trên đất Thảo nguyên được cho là ngày trang trọng và đáng nhớ nhất trong chuyến đi: Về thăm trường cũ.
Ngay từ sớm, mọi người đã chỉnh tề trong bộ Veston, và caravat nghiêm chỉnh. Trên ve áo anh Hồ Thành Công lấp lánh Phù hiệu tốt nghiệp được lưu giữ mấy chục năm đã để lại trong các thầy cô sự ngạc nhiên và ấn tượng sâu sắc.
Cùng đi với đoàn có Đại sứ và phu nhân. Do đã được báo trước nên Trường chuẩn bị rất chu đáo. Đón đoàn có Thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Nông nghiệp Tomorbaatar, Thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Thú y Gombojav – là bạn học cùng lớp với anh Thân Văn Son và Nguyễn Văn Sa, Thầy Hiệu Trưởng trường Chăn Nuôi và nhiều thầy cô khác…Đặc biệt, Trường đã mời được các bạn học cùng lớp với anh em cựu sinh viên trong Đoàn đến gặp mặt vui vẻ. Riêng Thầy Gombojav Hiệu trưởng Đại học Thú y và thầy Lavsansuren – Nguyên Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Nông nghiệp Mông Cổ, dù đang nghỉ hè với gia đình ở rất xa thành phố, nhưng cũng dành thời gian về Trường để gặp Đoàn. Các thầy nói “Dù ở xa đến mấy, nếu Đoàn cựu sinh viên Việt Nam qua thăm trường, chúng tôi cũng sẽ về “. Tình cảm thắm thiết tưởng như không có gì tả hết. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ, ôm chặt lấy nhau, kể cho nhau nghe về cuộc sống, về gia đình, về quê hương đất nước.

Buổi trưa, Trường tổ chức chiêu đãi Đoàn. Tại buổi chiêu đãi, các thầy cô đều phát biểu cảm tưởng, và dành những lời tốt đẹp về cựu sinh viên Việt Nam chăm học, thông minh, về những đóng góp không nhỏ của họ cho các hoạt động của Trường. Thay mặt các cựu sinh viên Việt Nam, Trưởng đoàn Hồ Sỹ Tý cảm ơn công lao dạy dỗ của các thầy cô. Anh báo cáo rằng, tất cả sinh viên VN tốt nghiệp về nước đều trưởng thành và cống hiến tốt cho đất nước.
Vinh dự được thay mặt cho các quý Phu nhân cựu sinh viên, chị Đoàn Thị Tỉnh – phu nhân anh Vũ Văn Bình - xúc động trong nước mắt kể về những ngày chờ đợi người yêu học tập ở Mông Cổ trở về. Lần đầu tiên đến thăm đất nước đã cưu mang chồng 7 năm ăn học, nét xúc động ùa về trên khuôn mặt chị, khiến những người tham dự không ngăn được những giọt nước mắt lăn dài trên các khuôn mặt. Buổi chiêu đãi diễn ra trong không khí ấm cúng ,vui vẻ và đượm tình thầy trò.
Sau tiệc chiêu đãi, Đoàn đi thăm trường Đại học Thú Y, Đại học Chăn nuôi. Tại đây các cựu sinh viên được gặp lại các bạn học cùng lớp về thăm. Không khí thật sôi động và náo nhiệt khi mọi người sau hơn 30 năm nay mới gặp lại. Ai cũng tranh kể, tranh nói thật nhiều. Họ hẹn nhau về khách sạn gặp mặt theo lớp. Từng nhóm tổ chức đi ăn với nhau để có nhiều thời gian truyện trò. Phu nhân của anh Công và anh Bình sau khi gặp gỡ bạn học của chồng, nhận xét vui rằng, “gặp bạn gái của chồng mà hai tay ôm mãi không hết cái bụng”. Một số bạn biết tin nhưng chưa đến kịp thì hôm sau tiếp tục đến.
Một kỷ niệm không thể nào quên.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng qua đi. Chúng tôi chia tay bạn cùng lớp và tiếp tục cuộc hành trình đã định.
Ngày thứ 5, Đoàn cùng Sứ quán đi tỉnh Tov, thăm tượng đài Chingis Khan và khu nghỉ mát Therelj. Trên đường đi Đoàn thăm tượng đài Chingis Khan lớn nhất thế giới tọa lạc trên khu đất rộng hàng trăm ha canh bên bờ sông Tuul thuộc tỉnh Tsongil Boldog cách thành phố Ulanbator 54 km về phía đông. Theo kể lại, nơi đây Chinggis Khan đã tìm ra cây Roi Da Vàng. Bức tượng Chingis Khan đang cưỡi ngựa có chiều cao 40m, đặt trên tòa nhà 2 tầng và được đúc bằng 250 tấn thép không gỉ sáng bóng quay mặt về hướng đông nơi sinh ra ông. Khách đến thăm quan có thể chiêm ngưỡng bản sao của cây Roi Da Vàng, ăn thịt ngựa và chơi bi da.

Bên cạnh Tượng Đài Chingis Khan, là tượng Người Mẹ Chingis Khan do nữ nghê sỹ nhân dân, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Mông Cổ sang tác để hài hòa về phong cảnh. Khu tượng đài kỷ niệm những người mẹ trong dòng tộc Chingis Khan rộng hàng trăm ha và được nối với tượng đài Chingis Khan thành một quần thể. Giám đốc khu tưởng niệm tiếp đón đoàn nồng nhiệt và mời cơm chiêu đãi.
Buổi chiều, Đoàn đi Therelj, khu du lịch nghỉ mát một thời sinh viên ta đã từng đến. Khu Therelj bây giờ đẹp và đông khách du lịch đến thăm và nghỉ mát. Mọi người tranh thủ chụp vài kiểu làm kỷ niệm.
Ngày thứ 6, tại Sứ quán, Đoàn cùng với Đại sứ tiếp các doanh nghiệp Mông Cổ tìm kiếm cơ hội giao lưu thương mại hai nước. Buổi tiếp diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở. Tham dự, có Ngài Thứ Trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ và Thực phẩm Mông Cổ. Tại buổi tiếp, nhiều doanh nghiệp bán thịt cừu đã ký được hợp đồng ghi nhớ với doanh nghiệp anh Nguyễn Quốc Đạt để cung cấp thịt trong tương lai.
Ngày thứ 7 các thành viên Đoàn tự do mua sắm và nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục cuộc hành trình 29 tiếng trên chuyển hỏa xa về lại Bắc kinh.
Ngày thứ 8 đoàn rời Ulanbator lúc 7h30 sáng, xe Sứ quán đưa Đoàn ra sân ga.
Ra tiễn Đoàn có Đại sứ Phan Đăng Đương cùng anh em trong Sứ quán. Những ngày ở thăm mảnh đất Thảo nguyên rồi cũng kết thúc. Với sự đón tiếp nhiệt tình và chuẩn bị chu đáo của gia đình Đại Sứ, anh em trong sứ quan, các cháu sinh viên và Hội cựu sinh viên VN tại Mông Cổ, Đoàn có một chuyến đi thật tuyệt vời và đầy ý nghĩa.
Chuyến tàu rời Ulanbator lăn bánh. Thành phố Ulanbator khuất dần tầm mắt để lại một khoảng trống vô tận trong các thành viên Đoàn Cựu sinh viên Việt Nam. Trong mỗi người ngổn ngang những suy nghĩ, cảm xúc về đất nước và con người Mông Cổ hiền hòa tốt bụng. Một nhận xét chung là Mông Cổ đã có những bước tiến vượt bậc cả về chính trị, xã hội, kinh tế. Thành phố được mở rộng, các cao ốc và khách sạn hạng sang, các trung tâm thương mại mọc lên san sát, đường sá rộng và đẹp, trật tự giao thông được đảm bảo, người dân có ý thức.
Tàu tiếp tục tiến về phía biên giới Trung Quốc để lại phía sau thảo nguyên mênh mông với những đàn gia súc đang mải mê găm cỏ, những cánh đồng hoa cải vàng tươi, hứa hẹn tương lai tươi sáng. Chúng tôi cùng thả hồn về một thời xa xưa, nhiều anh em từng đi trên tuyến hỏa xa này đến với đất nước thảo nguyên xinh đẹp.
8 giờ tối, tàu tới biên giới. Lại thay bánh 1,4m thành 1,6m, và kiểm tra hộ chiếu. Trưa hôm sau Đoàn về tới Sứ quán VN tại Bắc Kinh. Chúng tôi đã được gia đình Lê Hoàng Thúy - Cựu sinh viên Việt nam tại Mông Cổ hiện đang làm việc tại Sứ Quán VN tại Bắc Kinh - đón tiếp nhiệt tình, lo từ chỗ ăn, chỗ ở đến xe cộ đi lại thăm quan Trung Quốc trong những ngày ở Bắc Kinh. Những lúc như thế này mới biết tình cảm anh em cựu sinh viên VN học tại Mông Cổ nó gần gũi và thân thiện biết bao ! Ngày cuối cùng, gia đình Lê Hoàng Thúy mở tiệc chia tay Đoàn. Hôm sau Đoàn chia theo ba ngả khác nhau về nước. Một số người về thẳng TP.HCM. Một số về Hà Nội. Gia đình anh Công và anh Bình theo đường Nam Ninh để đi taxi về Lạng Sơn.
Chia tay mỗi người một hướng nhưng tâm trạng của mỗi thành viên Đoàn đều chung một điểm là chuyến du lịch “Về lại Trường xưa” đã thành công mỹ mãn, để lại trong mỗi thành viên những kỷ niệm sâu sắc, những dấu ấn tốt đẹp không thể nào quên.
Thay mặt Đoàn, xin gừi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới TS Phan Đăng Đương, Đại sứ VN tại Mông Cổ, và Phu nhân, cùng anh em trong sứ quán, các cháu sinh viên, Hội Cựu sinh viên VN tại Mông Cổ, gia đình Lê Hoàng Thúy tại Bắc kinh và những người đã giúp chuyến thăm của Đoàn thành công tốt đẹp.
(*) Lãnh sự Mông Cổ tại TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)