Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Giới trẻ Mông Cổ với gánh nặng tham nhũng

Tham nhũng vặt tại Mông Cổ tập trung ở khu vực y tế, giáo dục. Cái giá của tham nhũng trong giáo dục không chỉ nằm ở số tiền mà phụ huynh phải chi trả, mà nghiêm trọng hơn, nó ảnh hưởng lớn đến thế giới quan đạo đức của giới trẻ. Đây là một vấn đề nhức nhối của Mông Cổ.

Mông Cổ là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới hiện nay, với tỷ lệ người trẻ ở độ tuổi từ 14 - 34 chiếm 35% dân số. Điều này có ý nghĩa gì với quốc gia Đông Á này?
 
Thứ nhất, điều này đồng nghĩa với việc Mông Cổ có nhu cầu cấp thiết cần nhiều trường lớp hơn, nhiều việc làm hơn. Thứ 2, quan trọng hơn, thế hệ trẻ nước này có vai trò chủ đạo trong tiến trình phát triển của Mông Cổ trước những thách thức kinh tế, xã hội mà quốc gia này phải đối mặt hiện nay, trong đó bao gồm cả mức độ tham nhũng cao trong nước.
 
Khảo sát hàng năm của Quỹ châu Á về Nhận thức và Hiểu biết Tham nhũng (SPEAK) cho thấy rõ ràng nguyên nhân dẫn tới các mối lo ngại trong cách nhìn của giới trẻ. SPEAK thực hiện cuộc khảo sát liên tục trong 10 năm, kết quả khảo sát chỉ ra, hầu hết tham nhũng vặt tại Mông Cổ xảy ra trong khu vực dịch vụ công là y tế và giáo dục. Trung bình trong nhiều năm, ít nhất 1/4 những người được khảo sát cho rằng, họ đã phải đưa hối lộ cho các giáo viên.
 
Một thực tế khó khăn là, nhiều người trẻ ở Mông Cổ đang trưởng thành và được giáo dục trong một môi trường đầy rẫy tham nhũng và các hành vi phi đạo đức. Cuộc khảo sát năm 2016 về Minh bạch, Đạo đức và Tham nhũng trong ngành Giáo dục Mông Cổ đã chỉ ra rằng, gần 40% phụ huynh đã đưa các khoản hối lộ nhỏ cho giáo viên để đổi lại sự quan tâm, ưu ái hơn trong lớp học, được ưu tiên nhập học ở các trường lớp tốt hoặc được điểm số cao hơn... Đáng báo động, khi hỏi các phụ huynh về kết quả cho các khoản chi hối lộ này, 78% phụ huynh muốn con cái họ có điểm số học tập cao hơn cho biết, quà tặng hay tiền hối lộ đã giúp con họ đạt được kết quả như mong muốn.
 
Khi được hỏi, liệu văn hóa hối lộ này có nên được cho phép trong tương lai hay không, 92% phụ huynh trả lời là không. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, khi được hỏi liệu tình trạng này có được thay đổi không, các phụ huynh lại tỏ ra bi quan khi 40% dự đoán tình trạng tham nhũng, hối lộ sẽ xấu đi và 30% cho rằng, nó sẽ như cũ.
 
Lương giáo viên thấp và nguồn quỹ tài trợ hạn chế cho các trường công lập được cho là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng và cũng là lý do khiến việc giải quyết vấn nạn này thiếu tích cực. Nhưng cái giá của tham nhũng trong giáo dục không chỉ nằm ở số tiền mà phụ huynh phải chi trả, mà nghiêm trọng hơn, nó ảnh hưởng lớn đến thế giới quan đạo đức của giới trẻ. Học sinh sinh viên là trung tâm của các giao dịch này. Chúng biết về mục đích của các khoản tiền này và hiểu mình là người được hưởng lợi từ nó.
 
Không khó để tưởng tượng giới trẻ Mông Cổ sẽ lớn lên như thế nào trong một môi trường như vậy! Môi trường ấy có thể tác động tới hành vi của các học sinh, sinh viên này khi họ đưa ra các quyết định có liên quan đến tham nhũng trong tương lai.
 
Theo khảo sát năm 2017 của SPEAK, không cho phép tham nhũng ở giới trẻ chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nhóm tuổi lớn. Chỉ 28% số người được hỏi ở độ tuổi 25 - 29 trả lời rằng họ không đưa hối lộ, trong khi con số này ở độ tuổi 50 - 59 là 51% và trên 60 tuổi là 53%. Đây là điều hết sức đáng quan ngại ở Mông Cổ.
 
Bởi vậy, bài toán khó đặt ra với Mông Cổ hiện nay làm thế nào để ngăn chặn trẻ em và thanh thiếu niên khỏi "văn hóa" tham nhũng? Nên sử dụng chiến lược hay phương pháp nào để giáo dục thanh thiếu niên? Liệu có thể thay đổi tiến trình phát triển trở thành một xã hội công bằng chỉ trong 10 - 20 năm? Các tổ chức giáo dục, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan của Chính phủ Mông Cổ đang cố gắng tìm lời giải cho bài toán này.
 
Văn phòng của Quỹ châu Á tại Mông Cổ đã tham gia vào các hoạt động chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục từ năm 2010, với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Canada, đã đưa ra một chiến dịch cho các trường trung học và cao đẳng trong năm 2016. Chiến dịch là một phần của kế hoạch quản trị và chống tham nhũng kéo dài 10 năm.
 
Theo sáng kiến này, một số tổ chức phi Chính phủ và các cơ quan giáo dục địa phương đang tổ chức các khóa đào tạo và thực hiện các sự kiện nhằm tăng nhận thức cộng đồng cho hàng trăm giáo viên, hàng nghìn sinh viên tại hơn 130 trường trung học công lập và 60 trường cao đẳng, đại học ở Thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
 
Đồng thời, các tổ chức phi Chính phủ cũng đang hỗ trợ các ban lãnh đạo nhà trường cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm tài chính thông qua các dự án cải cách trường học đang được tiến hành.
 
Hiện vẫn chưa có các tín hiệu cải thiện rõ ràng "văn hóa" tham nhũng trong ngành Giáo dục Mông Cổ. Tuy nhiên, các nhà giáo dục và các nhà hoạt động chống tham nhũng nước này cho rằng, phải tiếp tục những nỗ lực chống tham nhũng này để bảo đảm sự thành công dài lâu.

Nguồn: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/gioi-tre-mong-co-voi-ganh-nang-tham-nhung_t238c52n138632

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)