Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

MÔNG CỔ, BẢN HÙNG CA CỦA THẢO NGUYÊN BẤT TẬN

Đinh Hằng là phóng viên, blogger du lịch, tác giả hai cuốn sách du ký best seller Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ và Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á. Chị được biết đến với các chuyến độc hành đến nhiều vùng đất độc đáo, kỳ lạ, nơi ít người Việt đặt chân tới. Chị đã và đang liên tục chia sẻ về những chuyến đi của mình suốt tám năm qua.

Dưới đây là bài viết và một số ảnh của chị về chuyến đi Mông Cổ đó.

Suốt 15 ngày rong ruổi khắp thảo nguyên Mông Cổ, tôi đã đi qua đủ mọi loại địa hình từ đường nhựa đến đường đất sình lầy, đá sỏi, sông suối và đối mặt với nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, mưa xối xả, gió buốt, thậm chí có cả một trận bão tuyết giữa mùa thu.

Men lối mùa vàng đến làng tuần lộc

Tôi chui ra khỏi căn lều lạnh ngắt, củi trong lò đã cháy hết. Ngoài đồng, cỏ trên nền đất nằm im dưới lớp băng buốt giá. Đêm qua, ngoài trời nhiệt độ tụt xuống âm 10 độ C.



Hừng đông, dải mây rực đỏ vắt ngang các tầng không như đang thiêu đốt vùng trời phía xa. Lặng im, đỉnh núi tuyết trắng xóa sừng sững in hằn vào đường chân trời. Nắng lên, dải sáng lấp lánh màu mật bắt đầu xuyên qua rừng thông, nhảy nhót trên lớp da mịn màng của đàn tuần lộc.

Bên trong rừng thông, đàn tuần lộc đứng yên trong lớp sương mỏng, bồng bềnh và chậm rãi trườn qua những nhánh thông vàng rực. Những cặp sừng thanh mảnh duyên dáng vươn cao, trên nền của mùa vàng đang ngập lối đi.
Con tuần lộc đầu đàn với cặp sừng uy nghi và bệ vệ đang mải cào đất bằng móng tìm thức ăn, trong khi hai con cái với bộ lông trắng muốt bẽn lẽn núp phía sau một tàng cây, còn em tuần lộc nhỏ xíu thì lim dim đôi mắt to tròn khẽ cuộn mình trong một đám cỏ dưới chân. Chỉ ít phút nữa thôi, sau khi tuần lộc được vắt sữa, cả đàn sẽ được đưa ra đồng ăn cỏ và chỉ trở về khi trời đã quá trưa.
Nắng đầu ngày vàng như mật trên những lối mòn dẫn qua các chóp lều truyền thống của người nuôi tuần lộc. Chói chang là vậy nhưng nắng vẫn không thể khỏa lấp cái lạnh đang thấm vào mỗi tế bào cơ thể qua từng lớp áo của tôi.
Tôi may mắn vì đến Mông Cổ đúng lúc làng tuần lộc Đông Tsaatan di chuyển chỗ ở cho mùa thu. Do đó, thay vì phải cưỡi ngựa tám tiếng nếu đi vào mùa hè, quãng đường di chuyển chỉ còn ba tiếng mà thôi.
Dù vậy, con đường vào làng quả thực rất gian nan nếu không có sự giúp sức của đàn ngựa. Đầm lầy cỏ lún, nước buốt lạnh dưới chân, và bùn văng đầy những cặp chân chắc khỏe của các chú ngựa.
Mặc dù tôi đã vài lần cưỡi ngựa trước đó, nhưng ở Mông Cổ thì đây là lần đầu tôi được tự điều khiển chú ngựa của mình đi theo hành trình. Rẽ trái, rẽ phải, phi nước đại, rồi dừng lại… Những kỹ thuật đơn giản này được chỉ dẫn bởi người hướng dẫn viên Mông Cổ, một thanh niên biết cưỡi ngựa từ khi lên năm tuổi. Rồi cứ thế, tôi một mình một ngựa băng qua đầm lầy, vượt núi, xuyên rừng thông.
Những người như tôi lặn lội đường xa đến Tsaatan không chỉ sống cùng bộ lạc du mục cùng tuần lộc cuối cùng trên hành tinh, mà còn để “lánh xa” khỏi thế giới ồn ào bởi nơi làng tuần lộc nằm mãi trong rừng sâu, cách xa khỏi văn minh loài người. Do đó, đây là nơi không hề bị thương mại hoá du lịch, với những nét truyền thống lâu đời và thiên nhiên tinh khiết đến vô cùng.
Người nuôi tuần lộc mỗi năm di chuyển đến 5 lần theo mùa, chủ yếu vì cần khí hậu lạnh và thức ăn để tuần lộc có thể sống. Vào mùa đông, nhiệt độ ở nhiều nơi mà người làng Tsaatan sống có thể xuống tới âm 35°C, nhưng đó lại là thời điểm mà tuần lộc khoẻ mạnh nhất. Khi tuyết phủ dày ngập lối và ngựa không thể đi, tuần lộc sẽ là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất trong mùa đông.

Người nuôi tuần lộc sống bằng cách bán da tuần lộc cho các nhà buôn, làm đồ lưu niệm bằng sừng tuần lộc, và thỉnh thoảng đón một vài đoàn khách du lịch đến từ phương xa, những người muốn tận mắt chạm vào loài động vật tưởng chỉ có trong truyền thuyết và trải nghiệm lối sống "lạ lùng" giữa thế kỷ 21 hiện đại được trang bị đến "tận răng". 
Người nuôi tuần lộc ở đây "lạ" như thế nào? Ở đây không có điện, không có Internet, không có tắm nước nóng. Họ tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
“Nhà” của họ là những túp lều truyền thống hở trên chóp nhọn, nơi cột khói từ lò sưởi giữa lều phả lên trời mỗi đêm. “Giường” của họ là những thanh gỗ thông gác trên nền đất lạnh. “Bếp” của họ chính là chiếc là sưởi nóng ấm giữa lều.
Khung cảnh mỗi sáng thức dậy của họ là rừng thông đang chuyển mình lộng lẫy, âm thanh ồn ào duy nhất là tiếng tuần lộc kêu rột rột và tiếng suối chảy róc rách ngày đêm, nỗi lo lắng duy nhất là đám khách du lịch nhiều chuyện có thể lỡ làm tuột mất một chú tuần lộc ngoài đồng.

Ở làng Đông Tsaatan có một nhân vật nổi tiếng mà ai cũng biết là cô Zaya, một người phụ nữ đã từ bỏ hoa lệ của thế giới văn minh nơi nước Mỹ xa xôi để sống như một người nuôi tuần lộc thực sự. Zaya sinh ra ở Ulaanbaatar nhưng lớn lên ở Mỹ từ năm sáu tuổi.
Mối duyên với làng tuần lộc nảy sinh khi cô làm việc cho một tổ chức phi chính phủ và cùng đoàn chuyên gia đến Tsaatan để nghiên cứu. Chỉ ngay lần đầu tiên ấy, cô đã ấn tượng mạnh với lối sống độc đáo của người nuôi tuần lộc, và cảm mến luôn chàng trai Tsaatan, người khiến cô ba năm sau từ bỏ mọi tiện nghi của thế giới nơi cô sống, chỉ để trở thành một thành viên của bộ lạc tuần lộc, và bắt đầu đời sống du mục cùng họ suốt chín năm qua.
Trong nắng sáng ấy, bên bìa rừng thông vàng rực rỡ, chúng tôi cùng ngồi tranh luận với nhau xem giữa mình và họ, ai “sướng” và ai “ khổ” hơn ai.
Tôi cười và bảo rằng ai sướng ai khổ tôi không biết. Nhưng hai ngày sống ở làng tuần lộc, tôi bắt đầu “nghiện” bầu không khí tinh khiết của rừng, nghiện lối sống đơn sơ của người nuôi tuần lộc, và nghiện luôn cả những thứ “không” của làng Tsaatan.
Đó là không bao giờ phải lo cúp điện vì không có điện, mà nhờ đó tôi có thể nhìn thấy cả một bầu trời Hằng hà sa số những vì sao và cả dải ngân hà rực rỡ; không bị tiếng chuông điện thoại làm phiền, nhờ đó tôi được trở lại thời wifi lẫn 4G chưa được phát minh và mọi người thay vì cắm mặt vào điện thoại thì quây quần bên bếp lò cùng trò chuyện; không phải mở Facebook ra xem người ta lại đang nảy lửa sa đà vào những cuộc tranh cãi bất tận gì mà nhờ đó tôi quên mất mình thuộc về thế giới hiện đại đảo điên ngoài kia.
Và đó là hai ngày hạnh phúc nhất tôi có được suốt chuyến road trip dài đằng đẵng ở Mông Cổ.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)