Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Một lần lạc đường


Nguyễn Quế Côi

Mỗi dân tộc đều có những tập tục rất lâu đời và đầy nhân văn. Nếu chúng ta đến nơi nào đó mà không hiểu phong tục, tập quán nơi đó thì không bao giờ có thể hòa nhập được vào cộng đồng để tìm hiểu họ. Người du mục Mông cổ do sống nơi thảo nguyên rộng lớn và rất ít người do đó từ hàng ngàn năm nay họ có những phong tục rất tuyệt vời. Những phong tục đó đã tạo lên đức tính của người Mông cổ: Vô cùng đôn hậu, thật thà và rất quí người. Tôi xin kể cho các bạn nghe một phong tục bình thường của Người Mông cổ nhưng lại vô cùng nhân văn.



Mùa đông năm đó tôi được nhà Trường cử đi biểu diễn văn nghệ tại khu nghỉ đông thuộc tỉnh Selenghe. Do bận việc tôi và cô diễn viên múa của đoàn nhạc nhẹ Bayan-Mongol không kịp đi cùng đoàn. Không ngờ hai ngày sau bão tuyết kéo về và máy bay An-24 cánh kép không thể bay được mà lịch biểu diễn đã lên do đó Anh nhạc sĩ trưởng đoàn yêu cầu chúng tôi phải đi bằng đường bộ. Quãng đường trên 800 km phải đi trên thảo nguyên mênh mông đầy tuyết trắng nếu không phải người lái xe có kinh nghiệm thì không ai dám đi. Thời đó thông tin liên lạc đâu như bây giờ. Giữa thảo nguyên mênh mông với mật độ dân số 1 người một cây số vuông nếu bị lạc thì cầm chắc cái chết. Bàn bạc mãi... Cuối cùng anh đội trưởng đội xe quê ở vùng đó sau vài lần đề nghị đã được chấp thuận đưa chúng tôi đi. Chúng tôi 3 người kể cả lái xe leo lên Cabin và chiếc xe Zil 3 cầu lao đi ngay trưa hôm đó.





Xe chạy suốt đêm không nghỉ. Tảng sáng. Vừng đông hé rạng. Chúng tôi dừng xe để vệ sinh cá nhân. Được đánh răng rửa mặt bằng tuyết nghe có vẻ thích thú nhưng đối với tôi thì đúng là cực hình. Mặt lạnh toát, răng lạnh cứng. Ngậm mấy vốc tuyết tưởng rụng hết răng mới sạch được mùi thuốc trong miệng. Bỗng tôi nghe tiếng la thất thanh của anh lái xe. Hóa ra chúng tôi bị đi nhầm vào mỏ đồng. Quãng đường bị nhầm gần 200 km. Nếu quay lại đường cũ thì quá xa và không kịp đến đúng giờ. Anh lái xe quả quyết là biết đường đi tắt và sau một hồi thảo luận chúng tôi nghe theo quyết định của “người dẫn đường”. Đường tắt nhỏ và xấu. Xe đi như bò vì đường rất trơn và sợ bị thụt xuống hố ven đường.


Gần trưa bụng tôi réo sùng sục. Có mấy cái bánh ngọt đã ăn từ tối hôm trước. Anh lái xe thấy chúng tôi đói mặt méo xệch cứ cười ngặt ngẽo. Anh nói sắp được ăn rồi. Chúng tôi không tin vì giữa thảo nguyên hoang vắng này lấy đâu ra nhà dân hay quán ăn. Vượt qua hẻm núi, xe chạy vào một thung lũng. Khi vào đến gần chúng tôi nhìn thấy một mái lều lẻ loi trên nền tuyết trắng. Nhìn thấy khói bếp lan tỏa trên mái lều, tôi và cô diễn viên thở phào nhẹ nhõm. Xe đến nơi chúng tôi mở cửa vào trong lều. Thật ấm áp dễ chịu nhưng trong nhà không một bóng người. Anh lái xe và cô diễn viên cứ như người nhà. Họ mở lồng bàn.  Trong khay to tướng trên bàn nằm gọn cả một con cừu luộc sẵn. Anh lái xe đặt nồi súp trên bếp. Chị diễn viên thêm củi vào bếp lò và mở tủ lấy bánh mì, rượu, thìa, dĩa... bày ra bàn. Anh lái xe múc cho tôi một bát chè sữa nóng hổi. Tôi uống đến đâu bụng êm đến đó.  Chúng tôi ngồi vào bàn và bắt đầu bữa cơm “từ thiện”. Sau vài ly rượu tôi hỏi anh lái xe:


- Nhà này của bạn anh à?.


- Không phải. Anh trả lời.


- Thế của họ hàng anh à?. Tôi lại hỏi tiếp.


- Không phải. Anh cứ thủng thẳng trả lời.


- Thế thì là nhà của ai?. Tôi sốt ruột hỏi tiếp.


- Của ai đó ở đây chăn gia súc mùa đông ấy mà. Anh lái xe trả lời.


Tôi thực sự phát hoảng vì thấy anh lái xe trả lời với thái độ rất tự nhiên, thành thật. Không quen biết mà làm cứ như là nhà của chính mình. Nhỡ đang ăn mà chủ nhà về họ vu cho ăn trộm thì thật phiền phức. Tôi vội hỏi:


- Thế không sợ họ bắt à?


- Sao lại bắt ?. Anh hỏi lại tôi với giọng rất ngạc nhiên.


- Ở Việt nam nếu vào nhà người khác khi chưa được chủ nhà cho phép thì bị coi là phạm pháp. Đằng này chúng ta...


Nghe đến đây cả anh lái xe và cô diễn viên cười phá ra. Anh giải thích:


- Đây là phong tục bắt buộc của người dân ở nông thôn Mông cổ. Trong nhà lúc nào cũng phải đầy đủ rượu thịt để cho những người lỡ độ đường. Đối với người du mục đây là điều bắt buộc vì phải mưu sinh giữa thảo nguyên mênh mông, đầy khó khăn, rủi ro.  Mỗi con người trong cuộc đời chắc chắn sẽ gặp phải những lúc lạc đường hay lỡ độ đường. Phong tục này đã có từ ngàn đời nay.


Tôi lặng người và cảm thấy bản thân còn quá nhiều thiếu sót. Sống tại nơi đây đã hơn 3 năm trời mà tôi thực sự chưa hiểu gì về cuộc sống, phong tục, tập quán của nhân dân bạn. Tôi chỉ cảm thấy người dân Mông cổ sao mà chân thật đáng yêu chứ chưa hiểu được ngọn ngành những đức tính cao thượng của người Mông cổ. Một dân tộc sống bằng nghề du mục đã có những phong tục tuyệt vời mà trên thế giới này hiếm nơi nào có được...


Kể từ lần lạc đường đó, sau này mỗi dịp đi thực tập hay đi chơi cùng bạn bè tôi không còn e ngại mỗi khi đói bụng tìm đến các gia đình bạn xin ăn nữa.

Tháng 10/2011

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)