Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Tản mạn một thời Mông Cổ

.
Nguyễn Quế Côi

Tụi mình là khoá thứ 7 qua học tại Mông cổ. Nói là thứ 7 nhưng thực ra cách với khoá 1 trên 10 năm vì có mấy năm Việt nam không gửi Sinh viên qua. Thời chiến tranh cuộc sống rất vất vả. Học sinh học nông nghiệp toàn dân NHÀ QUÊ. Học sinh nông thôn được đi nước ngoài là nhà có phúc lớn lắm. May mắn là hồi đó Bác Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Chủ trương của Bác là chọn lọc học sinh giỏi đi đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị lực lượng Khoa học-Công nghệ cho nước nhà sau chiến tranh.  Mình nhớ năm đó là năm thứ 2 phải thi vào đại học. Có một anh ở Nghệ an thi đạt 27 điểm ( thủ khoa thời đó ) nhưng lại bị xã giữ lại không làm thủ tục cắt hộ khẩu chỉ vì gia đình chưa có ai đi bộ đội. Chuyện này đến tai bác Bộ trưởng. Bác ra lệnh “Cứ đưa em ra đi học tội đâu tôi chịu hết”.
Từ quê đói nghèo chúng tôi hãnh diện bước chân lên tàu liên vận và may mắn làm sao lại gặp được các anh đi trước về phép cùng sang. Chúng tôi đã được các anh hướng dẫn cho mọi điều cho nên không bị bỡ ngỡ. Còn không may mắn gặp người đi trước như khoá Anh Thật thì vất vả vô cùng. Tôi xin kể lại câu chuyện có thật của Anh Nguyễn Văn Thật giờ là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Băng la đét. Xin phép anh Thật cho tôi kể lại chuyện này để cho mọi người hồi tưởng lại trình độ dân trí của chúng ta thời đó, của “Một thời máu lửa”



Chuyện thứ nhất : Ăn cơm Tàu


Hồi đó ở Việt nam đói lắm. Khi sang đến Bằng Tường bước chân lên tàu liên vận của Trung Quốc mọi người đều ngỡ ngàng vì tầu hỏa của họ sao mà đẹp thế: giường đệm trắng tinh, sàn trải thảm đỏ rực rỡ. 5 giờ chiều được nhân viên báo đi ăn cơm. Nhìn mâm cơm có đầy thức ăn mà cơm chỉ có một tô nhỏ, các anh nghĩ người dân ở các nước tiên tiến thật văn minh, họ ăn rất ít cơm còn chủ yếu là thức ăn. Thế là 5 Anh em chia nhau tô cơm. Mỗi người chỉ được nửa bát. Để khỏi thừa thức ăn tất cả cố gắng ăn hết cho dù mặn, đắng. Khi ăn gần hết bát cơm thì thấy tiếp viên đưa tô cơm mới ra. Lúc đó các anh chia nhau thêm nửa bát cơm và bảo nhau là cứ ăn vô tư chắc là ở nước ngoài được ăn thoải mái không hạn chế. Thế nhưng chờ mãi chẳng thấy đưa tiếp thức ăn và cơm . Để ý các bàn xung quanh các anh mới nhận ra rằng họ chỉ thêm cơm chứ không thêm thức ăn. Khi thức ăn trên bàn hết cũng là lúc bữa ăn kết thúc. Các anh ủ rũ về phòng với cái dạ dày mới chỉ được một phần. Học phí của sĩ diện không chịu học hỏi là một đêm phải ngủ đói.  


Chuyên thứ hai: Hố xí máy


Đến Bắc Kinh do khách sạn Bắc vĩ đã quá đông khách, 5 anh em được Ban quản lý lưu học sinh tại Trung quốc xếp cho nghỉ ở khách sạn Tân Kiều. Đây là khách sạng quốc tế hạng sang. Tất cả hành lang đều được trải thảm đỏ rực. Sàn phòng được trải thảm màu xanh da trời. Trong phòng tắm và vệ sinh mọi thứ đều sạch sẽ, trắng tinh, bóng như gương đến nỗi không dám sờ vào cái gì.
Chiều hôm đó mọi người đi thăm quan Di Hòa Viên. Anh Thật ở nhà không đi. Nằm mãi không ngủ được, suy nghĩ lung tung. Anh vùng dạy thám hiểm đồ đạc trong phòng. Nhìn thấy hố bệt Anh nghĩ rằng hố xí máy chắc hiện đại lắm thích đi lúc nào cũng được. Thế là anh háo hức đi thử. Ngồi mãi, rặn mãi mất đến gần một tiếng đồng hồ mà chỉ đi được vài cục bé tí. Lúc đó Anh mới hiểu thế nào là hố xí máy. Đi xong vấn đề nam giải là không biết vứt giấy chùi vào đâu. Anh không dám bỏ vào hỗ xí vì sợ bị tắc. Tìm mãi mới thấy lỗ thoát nước trong nhà tắm. Thế là Anh xé từng tí, ve thành sợi và nhét vào các lỗ thoát nước. Loay hoay mãi cũng nhét hết chỗ giấy vệ sinh. Xong việc Anh thở phào nhẹ nhõm như vừa che dấu được một việc hệ trọng thành công. Anh cởi quần áo và vặn nước tắm. Vòi hoa sen phun mạnh thật là sảng khoái. Anh điều chỉnh nóng lạnh, vừa tắm vừa hát. Bỗng Anh cảm thấy có tiếng đập cửa và ngoài hành lang tiếng chân chạy ầm ầm, tiếng người xôn xao. Anh tắt nước, mặc quần áo và ra ngoài thì... trời ơi nước đầy phòng, ngập hết thảm. Hết hồn. Anh vội vơ chiếc áo Complet vẫn mặc để thấm nước. Lúc này nước cũng tràn hết ra thảm ngoài hành lang và các nhân viên khách sạn phải lau và thay thảm. Họ gõ cửa phòng mãi không được đã lấy thìa khoá mở cửa vào. Nhìn thấy Anh đang dùng áo khoác để thấm nước đã rất sợ hãi và xin lỗi rối rít. Lập tức Lãnh đạo khách sạn đến ra lệnh chuyển anh sang phòng mới với lời xin lỗi chân thành. Tất nhiên một số nhân viên chắc chắn bị kỷ luật đuổi việc vì tắc trách. Điều này đã làm Anh ân hận đến tận bây giờ.


Chuyện thứ ba: Mua búa đinh


Sang đến Ulanbator các Anh được các Anh sinh viên cũ đón tiếp rất long trọng. Được tiếp một bữa cơm liên hoan gặp mặt ấm tình huynh đệ. Trong bữa ăn Anh Tố đột ngột hỏi:
-       Các cậu có mang búa đinh sang không?
Cả bọn ngơ ngác không hiểu gì cả. Anh Thật nói:
-       Dạ, chúng em không mang. Nhưng đem búa đinh sang để làm gì ạ?
-   Bên này lạnh lắm. Nếu đi đường buồn đi tiểu mà không có búa để đập băng thì không đi tiểu được đâu. Anh Tố ân cần giảng giải.
Tưởng như ở Việt nam tiện đâu phóng uế đấy, hôm sau nhận tiền học bổng xong cả 5 Anh em khẩn khoản nhờ Anh Tố dẫn đi mua búa làm cả hội cười nghiêng ngả.

1 nhận xét:

Nguyễn Văn Thật nói...

Cảm ơn Ban Biên tập.
Cảm ơn anh Nguyễn Quế Côi đã có nhiều đóng góp cho trang web và có nhiều bài viết xúc tích, sâu lắng và cũng rất thật, gợi lên cho người đọc nhớ lại những kỷ niệm vui,kỷ niệm buồn của thời sinh viên hơn 40 năm về trước trên đất bạn.
Đọc bài " Hố xí máy" của anh, tôi Thật ngỡ ngàng, khi bị gắn cho cái tên là nhân vật Thật trong đó và cũng thật thán phục cái tài "phịa" và " lắp ghép" của Anh.Anh đã biết chắp nối nhiều sự kiện, của nhiều người để "dựng" lên một nhân vật có Thật. Trong đó có một phần là Anh???.
Hồi đó, đoàn sinh viên đi MC của chúng tôi có 5 người (Dương,Duy,Tài,Thái,Thật, khi nghỉ lại Bắc Kinh, chúng tôi được bạn cho đi thăm Di Hòa Viên, Cố Cung,Thiên An Môn..và bao cảnh đẹp khác ở thủ đô của đất nước Trung Hoa vĩ đại.
Ai dại gì mà nằm nhà ???
Vài dòng vây đã..
Chúc Anh sức khỏe và thành công.
Chúc các bạn luôn vui khỏe và mọi thành đạt
Nguyễn Văn Thật(SV khóa 1970-1977)
Địa chỉ Email: vanthatbng@yahoo.com

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)