Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO

.
CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO
Nguyễn Trúc Hà (*)

Tôi mím môi kéo mạnh thanh tre khỏi tay nó. Thằng bé ngã dúi vào tôi, lăn ra đất, tay xước máu. Nó không khóc, đứng dậy phủi quần áo quay đầu đi không thèm nhìn lại tôi. Thế là tôi có thanh tre như mong muốn.

Nó, thằng Toàn bạn cùng lớp, nhà ngay cạnh nhà chúng tôi ở nơi sơ tán. Mặc dù là dân thành thị đi sơ tán tức là đi ở nhờ nhà dân trong xóm, nhưng tôi gần như là thằng “đầu gấu” nhất của lứa tuổi cuối cấp Một. Tôi chủ trò cho những chuyến cưỡi trâu đi dọc sườn đê chia 2 phái đánh trận; tôi rủ mấy đứa trong xóm bơi ra giữa hồ Hợp tác xã lặn móc ngó sen, hái trộm đài sen, sau đó trèo lên cây gạo đầu làng ngồi ăn ngon lành. Là dân thành thị, sau 2 tháng sơ tán ở nông thôn, tôi đã đen như củ súng, và quậy tưng bừng cả xóm.

Sắp đến Tết Trung thu năm đó, tôi quyết định sẽ tổ chức rước đèn cùng đám trẻ con trong làng. Phân công mỗi đứa làm một loại đèn, tôi tự nhận làm đèn Ông sao là loại dễ làm nhất, vì vậy, tôi phải kiếm thanh tre để hoàn tất khung đèn, dẫn đến việc ỷ thế cướp thanh tre của Toàn. Trước đó, nó đã bảo tôi, “tao không phải làm, vì năm nào bố tao cũng về dịp Trung thu và làm cho tao cái đèn Kéo quân cực đẹp”. Tôi không biết mặt bố nó, chỉ biết trên ảnh chụp chú bộ độ lồng trong khung hình chứa nhiều ảnh treo trên tường nhà nó. Có vẻ như bố nó là sỹ quan quân đội.

Sau một ngày đánh vật với các thanh tre, lạt buộc, giấy pơ-luya, tay chảy máu vì các vết dao và tre cứa, tôi cũng hoàn thành được chiếc Đèn Ông sao có cả tua ở đầu 5 cánh. Thuở đó, làm gì có giấy bóng kiếng, vì vậy, phải xin giấy pơ-luya trắng mỏng dán vào, rồi lấy mực đỏ quét, ở giữa đèn để nắp hộp cao Sao vàng, một sợi bấc, và dầu hỏa đốt lên. Thế là có chiếc Đèn Ông sao sáng lung linh…Tối mai sẽ là đêm hội vui của đám trẻ trong làng. Chúng tôi vô cùng háo hức và chờ đợi.

Buổi sáng, chúng tôi cắp cặp tới trường làng như mọi hôm. Gió nhẹ, trời trong. Cứ mỗi khi nghỉ giữa giờ, chúng tôi lại bàn rôm rả về cách làm các loại đèn, và tưởng tượng ra chương trình tổ chức lễ rước đèn. Cuối cùng tiếng trống trường tan học cũng vang lên trong sự chờ đợi của lũ trẻ. Cả lớp reo hò, ùa ra như bầy vịt con lao xuống ruộng. Chúng tôi có nguyên buổi chiều chạy chơi, và chuẩn bị cho đêm Trung thu (không như bây giờ trẻ phải học cả ngày).

Chợt có đứa reo to:”Xe bộ đội về làng kìa !”. Chiếc Com-măng-ca màu cỏ úa phủ bụi đất đỏ từ từ chạy qua đám học sinh đứng dạt hai bên đường nhìn tò mò. Thằng Toàn mắt sáng lên:

     - Xe bố tao về đấy !

Thế là cả bọn chạy ùa theo sau xe, miệng reo hò “Bố Toàn về chúng mày ơi !”. Chiếc xe phóng vào làng để lại lớp bụi đường và khói xe cùng lũ trẻ chúng tôi vừa chạy vừa hít hà mùi xăng vẻ thích thú. Về đến làng, mỗi đứa rẽ một hướng, chỉ có mấy đứa tôi và thằng Toàn là cùng ngả. Tôi hét lên “Đúng là xe bố mày rồi, Toàn ơi !”.

Chiếc Com-măng-ca đậu bên vệ đường trước cổng vào nhà nó. Thằng Toàn chạy ào vào nhà. Mấy đứa tôi rụt rè đứng ngoài cổng nhìn vào trong.

Trái với sự vui mừng của đoàn tụ, trước mắt tôi là một cảnh tượng kinh ngạc: Gian giữa nhà nghi ngút khói hương. Đứng hai bên chiếc bàn gỗ gụ đen bóng là 4 sỹ quan quân đội đang cúi đầu trước di ảnh bố thằng Toàn. Mẹ nó thì gục xuống, tóc xõa phủ kín hai vai đang rung lên theo từng tiếng nấc nghẹn ngào trước bát hương, bên cạnh là chiếc ba lô bộ đội. Bố nó đã hy sinh ! Nó vứt cái cặp ở sân chạy lại ôm mẹ nó khóc theo. Cũng như chúng tôi lứa tuổi còn nhỏ không hiểu cái chết là thế nào, nó chỉ biết rằng, từ nay bố nó sẽ không bao giờ còn trở về nhà được nữa.

Xe bộ đội đi, bóng đêm bao phủ làng xóm. Tiếng khóc của mẹ Toàn lúc thì trầm xuống, lúc lại gào thét như xé không gian tĩnh mịch mỗi khi có người trong làng đến chia buồn, làm đám trẻ chúng tôi thấy sờ sợ.

Nhưng giờ thắp đèn đã đến. Đám trẻ con trong làng cầm đèn tự làm đi đến nhà rủ nhau í ới làm thành những tốp sáng cả con đường làng. Tôi vội đốt đèn Ông sao của mình chạy ra trước cổng hòa cùng đoàn đang xôn xao, ồn ào. “Qua nhà thằng Toàn nhá !” tôi la lên. Cả đoàn bỗng chùng xuống, im lặng. Không nói gì thêm, tôi xăm xăm bước vào nhà nó. Thằng Toàn ngồi trước thềm, ngôi nhà nhập nhòa trong bóng đêm heo hắt ánh chiếc đèn dầu trên bàn thờ làm tóc tôi dựng đứng khi bước vào. Tôi thấy ánh mắt buồn của nó qua ánh sáng đèn Ông sao của tôi.

      - Toàn, tao cho mày đèn Ông sao đó. Đi chơi với chúng tao đi !

Ngoài cổng, đám trẻ nhao nhao “Đi chơi Toàn ơi, đi đón Trung thu đi !”. Vọng từ trong buồng, giọng mẹ nó yếu ớt “Con cứ đi chơi với các bạn, Toàn à”.

Nó đứng dậy, cầm đèn tôi trao. Tôi khoác vai nó bước ra cổng. Trăng tròn đã lấp ló đầu ngọn tre. Trung thu năm ấy, đám trẻ làng không có đèn Kéo quân !


Tp Hồ Chí Minh, tháng 9/2015
.

 ........................................................................................
(*) ThS Nguyễn Trúc Hà, nguyên Chuyên viên chính Cục Thú y

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)