Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

HAI SONG

HAI SONG

Nguyễn Ngọc Huân

Nhà Hai Song trên con kênh nhỏ nối quốc lộ 60 và con sông chạy vòng lên Ủy ban. Đi từ chợ Trường Khánh về phía Đại Lải, đến con kênh này quẹo trái là về nhà. Con kênh được đào sau ngày giải phóng để dẫn nước cho cánh đồng ấp Trường Lộc.

Cảnh vật lần đầu được nhìn thấy gây ra trong tôi những lạ lẫm. Hai bên bờ, những cây Bình Bát lòa xòa, um tùm lá xanh ngăn ngắt, vắt vẻo những chùm quả tươi xanh khẽ đung đưa mỗi khi gió lay cành. Chắc là vì mệt và khát, nên tôi tưởng tượng chúng như là trái cam chua ở quê, tự nhiên dịch vị tiết ra làm dịu đi cơn khát trong tôi. Xen kẽ hàng Bình Bát, những bụi dừa nước kiên cường bám rễ vào hai bờ kênh tỏa bóng mát xuống mặt nước đang lăn tăn ánh mặt trời phản chiếu. Thỉnh thoảng, cách một đoạn, những cây dừa cao vút trĩu quả, chĩa các tàu lá hình răng cưa lên bầu trời lúc này xanh ngắt không một gợn mây. Buổi trưa đầu mùa hè nóng nực. Nhưng nước sông, cây cảnh miền Tây hôm ấy đã đem đến trong tôi một cảm giác thân quen và dễ chịu.

Hai Song và vợ chào đón chúng tôi với một tình cảm thật chân thành. Chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau, qua câu chuyện, biết hai vợ chồng cùng ấp, có hai gái và một trai út. Chúng tôi được bố trí ở nhà Hai Song từ ngày ấy.

Hằng ngày từ sáng sớm, chúng tôi lội đồng thăm các hộ nuôi vịt. Ngày nào cũng một vòng, bắt đầu ra khỏi nhà, qua mười hộ, vượt quãng đường hơn 10 cây số, chúng tôi tập kết gặp nhau ở quán chợ Trường Khánh, ăn sáng, rồi đến ủy ban trao đổi công việc với quản lý ấp. Tầm 3 giờ, có khi 4-5 giờ chiều, chúng tôi về nhà chuẩn bị bữa tối.

Một bữa thèm rau, tôi đi quanh nhà, vui mừng nhìn thấy đám rau muống mọc hoang dưới tán dừa.

- Chú hái cái đó làm chi vậy ? Nhìn tôi lúi cúi bên vạt rau, đứa trai út Hai Song hỏi với vẻ ngạc nhiên.

Bữa đó, chúng tôi nấu canh rau muống với con Moi to bới trong các bao cá khô dùng làm thức ăn cho vịt và mời gia đình cùng ăn. Hai Song bảo chưa bao giờ ăn thứ canh như vậy, và khen lần đầu thử thấy ngon. Biết là người Kh’me thật thà, nên tự nhiên tôi thấy vui trong lòng. Rồi chúng tôi đun nước sôi để nguội cho cả gia đình uống. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết, những việc như thế, người Kh’me không quen làm. Phải chăng, thiên nhiên ưu ái đem các cái tinh khiết của mình dâng hiến cho con người miền Tây hay là con người nơi đây đã hòa trộn với thiên nhiên tạo nên một văn hóa riêng đặc trưng cho miền sông nước ? Thảo nào, người Kh’me thường uống nước trong lu đặt trong bếp, thứ nước trong vắt, ngọt ngào, nguyên thủy ! Giả như có vẩn chút phù sa, thì người ta đánh phèn là dùng được.

Bữa ấy, vừa cơm tối, như thường lệ, Lộc và tôi thả mùng, lên giường cùng Hai Song trò chuyện. Rồi tự nhiên nổi hứng, tôi ngân nga mấy bài hát ở băng Cát-xét “Gò Công” của 2 chị em ca sĩ Nhã Phương, Bảo Yến. Một lúc, thì Lộc cũng bắt vào nhịp cùng tôi. Rất ngạc nhiên, Hai Song nói vọng từ trong nhà ra:

- Các chú hát dễ nghe quá !

Thật thế ư ! Cái giọng nói và cái giọng hát của chúng tôi có thay đổi chi đâu, vẫn là giọng Bắc.

- Nghe hát tôi hiểu hết, chứ các chú nói thì…Hai Song bỏ lửng.

Ừ nhỉ ! Lời các bài hát ấy rất phổ biến bấy giờ, đến con nít còn thuộc, thành ra, cứ bắt đầu “Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ…” là người ta thuộc luôn “Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt…”. Hoặc khi nghe câu “Thương một người ở xa một mình đôi mắt đỏ” là người ta liền gõ nhịp mà hát theo bài “Về nông trường Phú Đông” từ đầu cho đến cuối không sai một từ. Dù là người vùng nào, nhưng khi hát mới, người ta đều lấy giọng Bắc làm chuẩn, nên nhận xét của Hai Song cũng là tự nhiên vậy.

Thằng con trai Hai Song chừng cũng chưa ngủ, nói vọng ra :

- Chú Lộc nói khó nghe quá, như là chim hót, cháu chẳng hiểu chú nói gì !

Lộc người Gia Lâm, Hà Nội, nhưng quen nói nhanh, liến tháu, thành ra người nghe mà chẳng hiểu anh nói gì. Nhiều khi chúng tôi cũng phải hỏi lại cho rõ.

Dần dà, những khoảng cách giữa chúng tôi cũng thu hẹp lại. Các ngày sau đó, chúng tôi đều dành một thời gian trò chuyện trước khi ngủ. Có những đêm, tôi đọc thơ Ngô Văn Phú tuyển chọn trong cuốn “Thơ hay” vợ chồng Hai Song đều tỏ sự tâm đắc thưởng thức. Có đêm trăng sáng, chúng tôi ngồi trên cây cầu khỉ bắc qua kênh, thõng chân quẫy xuống mặt nước, vô tình làm tan ánh trăng thành các mảnh vụn lan ra xa…Tiếng gió rì rào phát ra từ các tàu lá dừa, tiếng đập muỗi như điểm nhịp, và tựa hồ vẳng tiếng hò từ chiếc ghe ai chèo phía cuối dòng kênh. Tất cả tạo nên bản nhạc đồng quê dưới đêm trăng làm cho tâm hồn người ta thư thái.

Rồi thằng bé con Hai Song đề nghị :

- Chú hát Nhã Phương, Bảo Yến đi !

Giọng ồm ồm của Hai Song, của tôi và Lộc, giọng trong trẻo của chị Hai Song, hòa với giọng rất thanh và cao của 3 đứa trẻ quyện vào nhau, vút lên, theo làn gió từ các tàu dừa tỏa lên không trung, và theo nước dòng kênh lan về phía xa.

Dưới nắng hồng tôi đi giữa Gò Công,
Đất như cao, trời như thấp lại,
Trong khoảng không như sóng biển chập trùng,
Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công...

Năm tháng mười bốn ngày như vậy, rồi chúng tôi về lại Sài Gòn. Rồi cuộc sống cuốn hút, những kỷ niệm xưa cũng dần phai nhạt.

Hôm rồi, có dịp công tác Sóc Trăng, tôi ghé thăm Hai Song, mới biết anh cùng gia đình đã định cư tại Canada.

Men theo con kênh xưa, tôi đến khu đất vốn trước là ngôi nhà Hai Song. Dấu xưa đã phai mờ cùng năm tháng. Đâu rồi cây cầu khỉ chúng tôi ngồi vắt vẻo đêm trăng, thõng chân quẫy mặt nước làm tan những ánh trăng thành các mảnh vụn lan xa và cùng hát các bài Gò Công năm ấy. Đâu rồi chiếc giường tôi và Lộc mắc mùng ngồi trò chuyện sau mỗi bữa cơm chiều...Thoát đã 28 năm qua nhanh.

Tôi bước ra con kênh. Dọc hai bờ, Bình Bát lá vẫn xanh tươi và trái vẫn trĩu nặng; những bụi dừa nước vẫn kiên cường bám rễ vào hai bờ kênh tỏa bóng mát xuống mặt nước đang lăn tăn ánh mặt trời phản chiếu; những cây dừa cao vút trĩu quả, chĩa các tàu lá hình răng cưa lên bầu trời xanh ngắt không một gợn mây...

Lòng tôi bỗng rộn ràng kỷ niệm…

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)